Ứng dụng mạng 5G trong giáo dục và quản lý đô thị tại 'thiên đường giải trí Mỹ
Các mạng 5G nội bộ tại Las Vegas (Mỹ) giúp đối tượng khó khăn tiếp cận Internet và kết nối IoT quản lý hoạt động đô thị.
Khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, các trường học cũng như nơi làm việc buộc phải đóng cửa, chính quyền thành phố Las Vegas nhận thấy tại một số khu vực, học sinh không có Internet tại nhà, đồng nghĩa các em không thể tham gia học trực tuyến.
Do đó, với khoản tài trợ 2,1 triệu USD từ Cơ quan Quản lý Phát triển Kinh tế liên bang, Las Vegas nhanh chóng thực hiện kế hoạch phủ sóng mạng không dây 5G nội bộ (private) giúp học sinh truy cập miễn phí.
“Thành phố có những khu vực mà nhiều gia đình và trẻ em do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và xã hội, không được truy cập Internet”, Michael Sherwood, Giám đốc công nghệ và đổi mới của thành phố Las Vegas nói. "Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng mạng 5G riêng giúp hàng nghìn học sinh có thể kết nối với trường học ngay tại nhà”.
Hiện thành phố Las Vegas đang mở rộng việc sử dụng mạng 5G "private" trong nỗ lực cải thiện các hoạt động, từ giao thông đến kiểm soát chất lượng không khí và thu gom rác.
Mạng 5G nội bộ, được vận hành ở địa điểm cụ thể như cơ quan công sở, nơi tổ chức sự kiện, có tính năng tương tự dịch vụ nhà mạng cung cấp cho các thuê bao cá nhân, song được bảo mật cao hơn.
Bên cạnh đó, tính ổn định cùng tốc độ cao giúp 5G trở thành “mảnh ghép” hoàn hảo cho hệ thống cảm biến, máy ảnh và thiết bị Internet of Things được lắp đặt trên toàn thành phố.
“Chúng tôi có hơn 500 cảm biến hoặc thiết bị truy cập, bao gồm máy ảnh, điểm truy cập không dây, loa, chất lượng không khí và cảm biến ánh sáng”, Sherwood cho biết. Mỗi cảm biến thu thập dữ liệu đều cần có mạng để kết nối và có thể tiêu tốn hàng tháng từ 10 đến 30 USD nếu dùng mạng lưới thương mại.
Những thử nghiệm ban đầu tại các trường học trong quận Clark ở Las Vegas đang cho thấy kết quả khả quan. Mạng 5G nội bộ có độ phủ sóng từ 1 đến 2 dặm trong khu vực trung tâm thành phố, giúp hàng nghìn học sinh và gia đình có thể truy cập Internet.
Từ đó, tiềm năng dữ liệu từ camera, cảm biến chất lượng không khí, cảm biến rác thải và bãi đỗ xe được tận dụng triệt để, nâng cao trải nghiệm sống của cư dân thành phố cũng như hiệu quả công việc nhân viên công vụ.
Thúc đẩy sử dụng dữ liệu thay đổi cộng đồng
Để mở rộng mạng lưới, thành phố Las Vegas đã hợp tác với NTT (Nippon Telegraph & Telephone Corp), công ty dịch vụ CNTT đang vận hành mạng lưới khuôn viên 5G tư nhân lớn nhất châu Âu tại sân bay Frankfurt (Đức).
Shahid Ahmed, Phó Chủ tịch điều hành liên doanh mới và đổi mới tại NTT, nhấn mạnh tiềm năng của những hiểu biết sâu sắc dựa trên dữ liệu, có thể tạo ra thay đổi tích cực trong cộng đồng.
“Không nhiều thành phố trên thế giới có thể tận dụng tối đa lượng dữ liệu thu thập được để mang lại lợi ích cho cộng đồng của họ”, Admed nói.
Giao thông vận tải là lĩnh vực hưởng lợi hữu hình từ 5G
Một kế hoạch mạng lưới 5G phiên bản “2.0” đang được hội đồng thành phố xem xét, hứa hẹn mở rộng phạm vi phủ sóng, tốc độ cao hơn và nhiều dịch vụ nâng cao hơn cho mạng Internet không dây tư nhân lớn nhất tại Mỹ.
Theo Admed, họ đã chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch sang xây dựng và thử nghiệm, dự kiến có thể triển khai vào đầu năm 2024.
Một lĩnh vực được dự đoán sẽ hưởng lợi hữu hình ngay lập tức là giao thông vận tải. Với hơn 32 triệu lượt du khách ghé thăm Las Vegas vào năm 2021, tắc nghẽn giao thông là vấn đề các quan chức thành phố tin rằng có thể giảm thiểu bằng những cảm biến kết nối mạng 5G riêng.
Trong đó, theo Sherwood, kết nối không dây giữa các giao lộ giúp nhà chức trách tăng cường quản lý và xoá các “điểm đen” về an toàn giao thông, chẳng hạn như giao lộ toà thị chính, nơi có thời điểm ghi nhận tới 40 vụ va chạm giao thông trong một ngày.
Bill Baver, Phó Chủ tịch Giải pháp thông minh tại NTT, cho biết trước khi có cảm biến, thành phố cần nhân sự trực tiếp giám sát các giao lộ để kịp thời khắc phục sự cố, song giờ đây công việc này thuộc về các cảm biến.
“Phân tích dữ liệu được tạo ra từ các cảm biến và video, là một giải pháp thông minh, cho phép thành phố theo dõi các sự cố và điều tiết giao thông cải thiện an toàn phương tiện”, Baver cho biết. "Kết quả đã giúp thành phố hiểu rõ hơn về các hoạt động quản lý giao thông, bao gồm đặt biển báo, vạch kẻ đường tốt hơn”. Sau khi áp dụng công nghệ, vị trí toà thị chính hiện chỉ còn khoảng hai đến ba sự cố mỗi ngày, giảm đáng kể so với 40 vụ/ngày trước đó.
Trong tương lai, Ahmed nhận định mạng 5G riêng tư ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ.
“Nhiều điểm dữ liệu hơn, nhiều camera hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của kết nối mạng không dây. Cùng với đó, các mô hình ngôn ngữ lớn có thể giúp chính quyền thành phố đưa ra quyết định hiệu quả hơn về quản lý giao thông và thiết kế đô thị”, chuyên gia này cho biết.
(Theo Insider)