Logo Logo
Internet & Telecommunications 10-05-2013

Nhà mạng nên có gói cước nhắn tin, gọi điện qua Internet?

Đại diện của VTC Online và VNG cho rằng, do dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng là xu hướng bùng nổ mạnh trong thời gian tới nên các nhà mạng cần hợp tác với doanh nghiệp nội dung đưa ra các gói cước OTT hay hỗ trợ cước 3G để giữ chân người dùng.

Sẽ 'xóa sổ' dịch vụ SMS, gọi điện truyền thống

Gần đây, ngày càng có nhiều người dùng ở Việt Nam sử dụng những phần mềm gọi điện Internet miễn phí thông qua mạng Wi-Fi hay 3G giữa các smartphone, trong đó tiêu biểu là các phần mềm “ngoại” như Whatsapp, Viber, Line... hay các phần mềm “nội” như Zalo, FPT Chat... Bên cạnh đó, nhiều hãng smartphone cũng trang bị các phần mềm nhắn tin miễn phí nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng như Blackberry với công cụ Blackberry Messenger, Apple với ứng dụng Facetime đàm thoại video và iMssenger hỗ trợ nhắn tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau (iPhone, iPad thậm chí cả MacBook) hay gần đây nhất là Samsung với phần mềm ChatOn.

Trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết tháng 4/2012, Tencent chính thức giới thiệu WeChat phiên bản quốc tế (có giao diện tiếng Việt) và đầu tư đáng kể vào marketing/quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. WeChat đã tăng trưởng nhanh chóng trong 2-3 tháng sau đó đạt gần 1 triệu người dùng (chỉ trên iOS & Android), một con số vô cùng lớn trên thị trường di động.

Trước đó, trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, phụ trách mảng Web và Mobile, cho biết, thị trường phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đầy tiềm năng vì nhu cầu kết nối của người dùng trên di động rất lớn. Hơn nữa, những phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đều có tính năng tin nhắn thoại (voice SMS) nên tạo ra một phương thức nhắn tin, liên lạc mới thân thiện hơn hẳn so với việc gõ từ bàn phím như tin nhắn thông thường.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Internet đã dự báo về sự kết thúc của SMS truyền thống khi người dùng đang có xu hướng chuyển dịch từ SMS truyền thống sang các dịch vụ nhắn tin khác như WhatsApp, iMessage, Skype hay Facebook Message.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT ngày 24/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, dịch vụ Over the top content (OTT) giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wi-Fi, 3G như Viber, Whatsapp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng.

Bởi vì, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (trên 100.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông. 'Những cuộc gọi, nhắn tin miễn phí qua mạng Wi-Fi, 3G đó rất khó quản lí về mặt an ninh. Vì thế, Bộ TT&TT nên có chính sách quản lí dịch vụ OTT trên cơ sở không kìm hãm sự phát triển nhưng đảm bảo phát triển bền vững của ngành viễn thông, CNTT và truyền hình', ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết nguy cơ các dịch vụ OTT của doanh nghiệp nội dung nước ngoài như Google, Yahoo!... chiếm hết doanh thu từ những dịch vụ viễn thông cơ bản (nhắn tin, gọi điện) và khiến doanh nghiệp viễn thông giống như những 'người làm thuê', không có lãi đang xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn với tất cả các nước trên thế giới. Thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ cùng một số chuyên gia tổ chức hội thảo về vấn đề này để tìm ra chính sách quản lí phù hợp.

Khó kiểm soát dịch vụ nhắn tin, gọi điện qua mạng?

Ông Khải cho biết, VNG xác định dịch vụ OTT như giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wi-Fi, 3G là một xu hướng liên lạc mới và sẽ bùng nổ trong thời gian tới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Vì thế, các nhà mạng trên thế giới cũng chưa có giải pháp thống nhất. Tuy nhiên, vì đây là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ, VNG tin rằng giải pháp hợp lí nhất sẽ là nhà mạng nên hợp tác chặt chẽ với dịch vụ OTT để có thể mang lại sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng như giúp đăng nhập, sử dụng dịch vụ OTT dễ dàng hơn ngay từ mục SMS trên điện thoại, gửi tin nhắn SMS cho bạn bè chưa cài ứng dụng…. và được chia sẻ doanh thu.

Bên cạnh đó, không chỉ với các dịch vụ nhắn tin kiểu mới như Whatsapp, Viber… mà từ trước đến na, các dịch vụ Facebook Messenger, Yahoo! Messenger và Skype cũng góp phần đáng kể làm giảm doanh thu các nhà mạng và chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát các dịch vụ này về mặt an ninh. “Nhưng đây là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ nên tôi tin rằng các quốc gia đều phải xây dựng chính sách cấp phép phù hợp để quản lí các công cụ liên lạc trên nền Internet”, ông Khải khẳng định.

Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online cũng cho rằng, các nhà mạng nên coi việc “bùng nổ” dịch vụ OTT là một điều hiển nhiên và phải chuẩn bị các phương án như tự xây dựng ứng dụng tương tự hay phối hợp với các đơn vị đã có sẵn sản phẩm như Zalo, Line, WeChat, Whatsapp... Khi nhà mạng đã không thể tung ra các chương trình khuyến mãi nạp thẻ lớn như thời gian trước thì việc đưa ra dịch vụ nội dung mới như các dịch vụ OTT sẽ là cách duy nhất để giữ chân khách hàng.

Trước đây, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), nếu các đơn vị làm nội dung (VTC Online, VNG...) không phát triển, cung cấp các dịch vụ game online, phim... thì người dùng không thể tận dụng được băng thông lớn của ADSL hay FTTH, để từ đó làm tăng doanh thu của các ISP. Tương tự với câu chuyện của các nhà mạng hiện nay, họ có thể “bắt tay” với các doanh nghiệp nội dung đưa ra những gói cước dịch vụ OTT hay hỗ trợ cước 3G để tận dụng hiệu quả tài nguyên mạng 3G thay vì áp đặt hay cố gắng quản lí.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, bản chất các phần mềm như Whatsapp, Viber, WeChat là các mạng xã hội trên di động chứ không phải đơn thuần chỉ là một phương tiện để nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Do đó, để đảm bảo an ninh và rủi ro, cơ quan quản lí có thể đưa ra chính sách hỗ trợ cho các ứng dụng OTT trong nước để đối trọng, cạnh tranh với các phần mềm nước ngoài khi mà các doanh nghiệp nội địa có thể đưa ra những phần mềm với chất lượng tương đương. Bởi vì, nếu để các doanh nghiệp Việt Nam đấu “tay bo” thì với tiềm lực tài chính rất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lại chiếm vị trí áp đảo như câu chuyện mạng xã hội Facebook với Zing Me, Go.vn và cơ quan chức năng lại vất vả để tìm cách quản lí.

Thống kê của hãng phân tích ứng dụng App Annie Intelligence ngày 2/1/2013 cho thấy, trong số 50 ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store ở Việt Nam có đến 6 ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet bao gồm Facebook Messenger, Zalo, WeChat, Whatsapp, Line, Viber. Ngoài ra, 4 ứng dụng Facebook Messenger, Zalo, WeChat, Viber còn nằm trong danh sách 50 ứng dụng tải nhiều nhất trên Google play.

Theo ICTNews

4/1/2013 10:19

Từ khóa tìm kiếm: may chu, thue cho dat may chu, dat may chu

Comments

( 0 comments )
No comments yet

Your comments

Similar Posts