Logo Logo
Internet & Telecommunications 10-05-2013

Internet Việt Nam & chặng đường 15 năm phát triển

Năm 1997, Internet đã được chính thức đưa vào khai thác sử dụng ở Việt Nam, với ứng dụng đầu tiên là hệ thống email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập, rồi đến việc tên miền VN của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới… Với rất nhiều tính ưu việt của mình, Internet tại Việt Nam đã nhanh chóng bùng nổ, cuốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân vào cuộc. Cùng với Internet các ứng dụng mới: Trang thông tin điện tử (Website); Giao ban trực tuyến; Thương mại điện tử; Ngân hàng điện tử,… với nhiều tiện ích vượt trội ra đời, giúp chúng ta cải thiện, nâng cao hiệu quả chất lượng cuộc sống. Internet được coi là “con đường tơ lụa mới” mang đến sự phồn vinh cho cuộc sống của xã hội.

1. Internet – Mối quan tâm chung của cả cộng đồng xã hội

Sau 15 năm xuất hiện tại Việt Nam, Internet đã nhanh chóng trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng xã hội. Internet đã khảng định vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước. Hiện cả nước đã có khoảng 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 35,49% dân số (66% trong số đó sử dụng Internet hàng ngày), trong đó số lượng thuê bao Internet băng rộng đạt trên 4,3 triệu thuê bao. So với năm 2000, số lượng người sử dụng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần. Nhờ có Internet các tổ chức, doanh nghiệp đã nhanh chóng mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ,… Và cũng thông qua Internet các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí và công tác,… của nhiều cá nhân đã được thay đổi. Theo thống kê của Internet World Stats, Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á

Xác định tầm quan trọng của Internet đối với đời sống xã hội, trong Quy hoạch phát triển Viễn thông quốc gia đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tháng 7/2012), đã đề ra chỉ tiêu phát triển Internet đến năm 2020 là: tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 15-20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet 35-40%; tỷ lệ người sử dụng Internet 55-60% dân số; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng.

2. VNPT và những nỗ lực kiến tạo hạ tầng Internet Việt Nam

Năm 1997, khi Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị đầu tiên được Nhà nước giao trọng trách xây dựng hệ thống đường trục kết nối Internet quốc gia và đi quốc tế. Ngày ấy, hạ tầng mạng Internet ở Việt Nam được xây dựng bằng những viên gạch đầu tiên với 64kbps kết nối quốc tế cho khoảng 300 người sử dụng với hai hướng kết nối chủ yếu: Mỹ và Australia.

Đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của Internet và các nhu cầu phát triển ứng dụng trên nền băng rộng, ngày từ năm 2003, VNPT đã tiên phong triển khai mạng viễn thông Thế hệ mới (NGN) trên mạng đường trục. Từ tháng 5/ 2003, VNPT đã chính thức cung cấp dịch vụ Internet băng rộng ADSL trên quy mô toàn quốc. Đến nay, VNPT đã hoàn thành việc chuyển đổi hoàn toàn sang mạng NGN – công nghệ chuyển mạch gói cho phép triển khai các dịch vụ tích hợp.

Đến năm 2007, sau 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam, tốc độ truy cập Internet Việt Nam tăng tới 7.500 lần, từ kết nối 2 Mbps đi Mỹ và Australia trước đây nay đã mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5 Gbps theo 12 hướng qua các 8 vùng quốc gia có lưu lượng trao đổi Internet lớn.

Bên cạnh Internet băng rộng cố định, VNPT cũng đã tập trung phát triển Internet băng rộng di động, đáp ứng nhu cầu ngày càng càng cao của xã hội. Tháng 8/2009, 2 mạng di động của VNPT là Vinaphone và Mobifone chính thức nhận giấy phép 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến tháng 12/2009, cả 2 nhà mạng này đều đã triển khai dịch vụ 3G tại tất cả các tỉnh, thành phố. Năm 2010, VNPT tiếp tục trở thành doanh nghiệp tiên phong về băng rộng di động khi triển khai thử nghiệm công nghệ 4G (LTE) tại Hà Nội, cho phép tốc độ tải xuống lớn nhất đạt 100 Mbps. Thực hiện chiến lược quy hoạch, đầu tư và xây dựng hệ thống mạng lưới viễn thông Internet dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, dung lượng lớn, phủ khắp lãnh thổ Việt Nam, sau 15 năm phát triển, đến nay, VNPT đã có trên 3,1 triệu thuê bao Internet băng rộng; sở hữu hơn 15.000 trạm phát sóng BTS 3G (NodeB), phủ sóng toàn quốc, cung cấp dịch vụ cho trên 10 triệu thuê bao di động băng rộng (3G).

Không chỉ là nhà cung cấp cổng truy nhập Internet (IXP) đầu tiên tại Việt Nam, VNPT còn là 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sớm nhất của Việt Nam cùng với Netnam, Viettel và FPT Telecom.

Song song với việc phát triển dịch vụ, mở rộng kinh doanh, VNPT còn là một trong các doanh nghiệp đi đầu trong viêc phổ cập, đưa Internet đến mọi vùng miền của đất nước thông qua các hoạt động cộng đồng. Trong tổng số hơn 8.000 điểm bưu điện, văn hóa (BĐ-VH) xã trên cả nước, VNPT đã đầu tư lắp đặt máy tính nối mạng Internet tốc độ cao cho hơn 2.000 điểm tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được truy cập Internet. Cùng với đó, VNPT đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 10 “Vườn tri thức VNPT” với tổng giá trị 2 tỷ đồng tại các tỉnh, thành của Việt Nam. Mô hình của các “Vườn tri thức này” là sự kết hợp của phòng máy tính được kết nối mạng Internet băng rộng cùng với các thiết bị phụ trợ như máy in, webcam, tủ sách kiến thức với khuôn viên cây xanh tạo nên không gian học tập – giải trí lý tưởng cho thanh thiếu niên nông thôn.

Ngoài ra, VNPT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp triển khai xây dựng thí điểm 62 “Điểm Internet thanh niên” cho 62 huyện nghèo nhằm cung cấp các dịch vụ phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử và điểm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, điểm dịch vụ truy cập Internet, điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi và khai thác một số dịch vụ khác.

Ghi nhận những đóng góp của VNPT trong việc phát triển mạng băng rộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam, ngày 27/9/2011, trong khuôn khổ Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 tại Paris, Pháp, VNPT đã vinh dự được trao giải thưởng quốc tế “Băng rộng thay đổi cuộc sống”.

Với nỗ lực cao nhất mang Internet đến với cộng đồng người sử dụng, hiện VNPT cung cấp trên 70% thị phần thị trường Internet Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Dân đại diện lãnh đạo VNPT cho biết hướng đến mục tiêu trở thành một trong 10 nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp viễn thông – công nghệ thông tin hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2015, VNPT sẽ tiếp tục ưu tiên nhiều nguồn lực, tập trung phát triển các dịch vụ cốt lõi. Thực hiện cam kết “xã hội hóa Internet” và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, phục vụ giáo dục, y tế; nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới Internet với năng lực phục vụ cao, chất lượng tốt, VNPT sẽ tiếp tục định hướng phát triển công nghệ Internet băng rộng. 

3. Những “chàng ngự lâm” của Internet Việt Nam

Chặng đường phát triển Inernet Việt Nam 15 năm qua, có công sức đóng góp của nhiều tập thể và cá nhân. Với lòng đam mê cái mới cùng quyết tâm cao đem Internet đến cộng đồng   Tiến sĩ Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT, ông Vũ Hoàng Liên – nguyên Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, và ông Lê Hồng Minh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG được coi là những “chàng ngự lâm” của Internet Việt Nam. 

Tiến sĩ Mai Liêm Trực – Người mở đường cho Internet Việt Nam

 Được xem là người có công đầu trong việc đặt nền móng cho Internet tại Việt Nam, với cương vị là lãnh đạo bộ chủ quản, TS. Mai Liêm Trực không chỉ thành công trong việc thuyết phục lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho phép mở cửa thị trường Internet, ông còn là người tiên phong trong việc đấu tranh chống độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ Internet. Tên tuổi của ông gắn liền với quan điểm “năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”.

Tâm sự về những ngày đầu đưa Internet vào Việt Nam, TS. Mai Liêm Trực, cho biết: “Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “mở” Internet, việc đưa Internet vào Việt Nam được cơ quan quản lý ngành trình Chính phủ. Khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo chỉ cho phép áp dụng tạm thời việc phát triển ứng dụng Internet tại Việt Nam. Bởi lúc đó đất nước vừa trải qua chiến tranh suốt một thời gian dài, vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ… rất đáng lo ngại. Chia sẻ lo ngại đó nên chúng tôi chấp hành việc áp dụng quy định tạm thời để nếu có vấp thì sửa sai. Do vậy, trong giai đoạn đầu, tư duy quản lý Internet được định hướng là “quản đến đâu thì mở đến đấy”, quản từ từ, chưa quản được thì chưa cho mở. Cho nên việc “mở” Internet được tiến hành từ năm 1997, nhưng suốt 2-3 năm sau vẫn không cho mở Internet cafe, đại lý Internet… vì thế số lượng người sử dụng Internet rất hạn chế. Để đẩy mạnh tốc độ phát triển Internet, năm 2000, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đã đưa ra một tư duy quản lý đổi mới, đó là “quản lý phải theo kịp sự phát triển chứ không hạn chế sự phát triển”. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet, tư duy quản lý Internet không chỉ dừng ở mức “cởi trói”, “theo kịp sự phát triển” mà phải tiếp tục thay đổi hơn nữa, đó là “quản lý phải thúc đẩy sự phát triển”. 

TS. Trực cho rằng, Việt Nam đã mở cửa Internet đúng thời điểm: “Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40 – 50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới khoảng 15 – 20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới chỉ chừng 7 – 8 năm”.

Tại buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về chủ đề “Internet – Cánh cửa tương lai” do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp cùng Báo điện tử VnMedia tổ chức nhân dịp kỷ niệm 15 năm Inernet Việt nam, TS. Mai Liêm Trực tâm sự, ông và các cộng sự đã hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh tạo dựng được cơ sở hạ tầng internet vững chắc, các bạn trẻ sẽ là những người nối tiếp, phát triển và đưa nước ta sánh vai với các nước trên thế giới, nhờ Internet – công nghệ thông tin.

Ông Vũ Hoàng Liên – người đưa công nghệ Internet băng thông rộng ADSL vào Việt nam

 

Ông Vũ Hoàng Liên được coi là người có công lớn trong việc đưa công nghệ Internet băng thông rộng ADSL vào Việt Nam năm 2003, với thương hiệu MegaVNN. Đây được xem là dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới của kỷ nguyên công nghệ thông tin trong nước.

Từ khi công nghệ ADSL được đưa vào Việt Nam, số lượng người được sử dụng dịch vụ này tăng lên nhanh chóng. Cũng nhờ đó, Internet đã thay đổi từ một dịch vụ xa xỉ nhưng hạn chế về nội dung trở thành dịch vụ phổ biến, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cho gần 30% dân số Việt Nam. ADSL cũng là tiền đề thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ nội dung số, đặc biệt là mạng xã hội và những dịch vụ giải trí như nhạc số, và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay.

Với trọng trách mới là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), ông Vũ Hoàng Liên đang cùng Hiệp hội là đưa ra những đề xuất, góp ý và phản biện các chính sách phát triển Internet của cơ quan quản lý, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân, đưa Internet đến vùng sâu vùng xa, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền. VIA đưa ra mục tiêu trong nhiệm kỳ đầu tiên (2010 – 2015) sẽ nâng cao tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam, phấn đấu mục tiêu 50-60% hộ gia đình và cá nhân có Internet băng rộng.

Ông Lê Hồng Minh – người làm công nghệ nội dung số

 

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, một công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Internet và truyền thông xã hội. Được thành lập vào năm 2004, đến nay VNG đã vươn lên trở thành một trong những công ty Internet hàng đầu, sở hữu cổng thông tin điện tử lớn nhất Việt Nam Zing.vn. VNG mang đến cho khách hàng các sản phẩm giải trí trực tuyến đa dạng như nhạc, video, tin tức, mạng truyền thông xã hội và thương mại điện tử,.. phục vụ gần 20 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam.

Được xem là một trong những người có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam, ông Lê Hồng Minh có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của Internet, với mong muốn kết nối hàng triệu người Việt Nam lại gần nhau hơn bằng những cách thức được cùng xem, nghe và trao đổi trên Internet. Với phương trâm “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt”, VNG đang tập trung phát triển nhiều dịch vụ và sản phẩm có giá trị cao, làm giàu thêm kho nội dung số trên Internet để phục vụ cộng đồng. 

“CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia” quan điểm này đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Khảng đinh định vai trò nền tảng của CNTT đối với sự phát triển, hiện đại hóa của từng ngành, từng lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, là quan điểm đột phá mới trong tư duy chiến lược của Đảng về phát triển hạ tầng quốc gia được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang tiến nhanh vào kỷ nguyên số với xu thế phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Lựa chọn CNTT chính là lựa chọn con đường để Việt Nam đi tắt, đón đầu. Với CNTT, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn và toàn diện hơn, giúp Việt Nam có được vị trí cao trong chuỗi giá trị phân công lao động toàn cầu. Với vai trò là hạt nhân quan trọng của hạ tầng CNTT-TT, Inernet đang được coi là cánh cửa của tương lại 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel:

Để thực hiện khát vọng mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc smartphone có thể truy nhập Internet và mỗi gia đình sẽ có 1 đường truy nhập Internet băng rộng (ít nhất 10Gbps), Viettel sẽ tiếp tục theo đuổi câu chuyện đưa Internet đến trường học, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện Viettel đang cung cấp miễn phí dịch vụ Internet cho trên 30.000 trường học tại VN, trong đó 20.000 trường bằng 3G và 10.000 trường bằng cáp quang.

Tài liệu tham khảo:

-          Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngày 17 tháng 10 năm 2000;

-          Báo cáo Tổng kết 15 Internet Việt Nam của Hiệp hội Internet Việt Nam;

-          Kết quả khảo sát của Internet World Stats

-          Và một số báo mạng điện tử, Inernet.

(Ngày 23/02/2013)

Việt Hoàng – Hà Văn

(Cnth theo Thnh)

Từ khóa tìm kiếm: dịch vụ máy chủ, thuê máy chủ ảo, máy chủ ảo

Comments

( 0 comments )
No comments yet

Your comments

Similar Posts