Bắc Kinh tuyên bố Xiaomi đã phát triển thành công chip 3nm
Theo một báo cáo từ trang MyDrivers , hãng đã hoàn thành quá trình "taped out" cho con chip smartphone đầu tiên của Trung Quốc sử dụng công nghệ 3nm.
Thông báo này được công bố bởi Kinh tế trưởng của Cục Kinh tế và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh trên BRTV, một đài truyền hình của Trung Quốc. Video thông báo bằng tiếng Trung đã được đăng tải bởi một người dùng trên mạng xã hội X.
Việc "tape-out" trong thiết kế silicon có nghĩa là chip đã đạt đến giai đoạn cuối của thiết kế và sẵn sàng cho quy trình chế tạo. Nói cách khác, Xiaomi đã hoàn thành giai đoạn thiết kế và con chip này đã sẵn sàng để sản xuất.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là SoC đã sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt hoặc sử dụng trong smartphone. Xiaomi vẫn cần thử nghiệm chip sau khi được sản xuất bởi một nhà sản xuất như TSMC hoặc Samsung. Nếu tỷ lệ thành phẩm ban đầu (tỷ lệ chip hoạt động) thấp, họ có thể cần điều chỉnh quy trình sản xuất hoặc thiết kế chip để cải thiện.
Trước đây, Xiaomi đã từng ra mắt smartphone sử dụng SoC tự phát triển. Mi 5C ra mắt năm 2017 được trang bị con chip Surge S1, một chip 8 nhân sử dụng công nghệ 28nm với kiến trúc big-little và xung nhịp tối đa 2.2GHz.
Giới chuyên gia nhận định nếu thông tin này là sự thật, đây sẽ là cú hích lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đồng thời thách thức vị thế thống trị của các ông lớn như Apple với chip A18 sản xuất trên tiến trình 2nm.
Xiaomi từ lâu đã cho thấy tham vọng tự chủ công nghệ với việc thành lập đơn vị thiết kế chip riêng từ năm 2017. Hãng đã cho ra mắt nhiều sản phẩm "cây nhà lá vườn" như chip xử lý S1, chip cảm biến ảnh C1 và gần đây nhất là con chip tích hợp trên xe điện SU7.
Bước tiến mới này của Xiaomi, nếu được xác nhận, sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Trung Quốc đang dồn lực cho cuộc đua tự chủ chip với hàng loạt động thái mạnh mẽ như thành lập quỹ đầu tư bán dẫn quy mô lớn, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ đột phá như "quang tử silicon", và hỗ trợ các công ty nội địa phát triển giải pháp thay thế cho công nghệ bị Mỹ cấm vận.