Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông

Công nghệ thông tin (CNTT) được đánh giá như một phương thức phát triển mới để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ định hướng chú trọng triển khai đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

 

Công nghệ thông tin được xem như một phương thức phát triển mới. Nguồn: internet

Công nghệ thông tin được xem như một phương thức phát triển mới. Nguồn: internet

Động lực cho sự phát triển

CNTT với 4 trụ cột chính là phát triển nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT được xem như tiền đề vững chắc để thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” mà Đảng Chính phủ đưa ra.

Hơn nữa, trong bối cảnh như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng CNTT là một phương thức phát triển hiệu quả giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đưa Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và phát triển kinh tế tri thức; tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định “Trong xã hội ngày nay, không có một lĩnh vực nào, ngành nào, không có nơi nào không có sự hiện diện của CNTT. Tác động của CNTT đối với đời sống xã hội là vô cùng to lớn, không chỉ đẩy mạnh, nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế mà còn kéo theo sự biến đổi về phương thức sáng tạo, tạo ra của cải trong đời sống xã hội và tư duy của con người… Trong thời gian tới, CNTT sẽ trở thành một động lực quan trọng và mang tính đột phá của sự phát triển đất nước.”

Nhìn nhận được những tác động to lớn ấy, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển, ứng dụng CNTT từ rất sớm và ban hành nhiều chương trình, chiến lược, đề án, dự án về phát triển lĩnh vực CNTT. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp hơn 7% GDP của đất nước. Đồng thời, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và đưa Việt Nam có tên trên vị trí trên bản đồ CNTT thế giới.

Phát huy hiệu quả công nghệ thông tin

Để CNTT thực sự trở thành nền tảng mới cho sự phát triển đòi hỏi các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện, triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển CNTT, trong đó tập trung vào những vấn đề chính như:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là 1 nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thứ hai, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia, bảo đảm khả năng kết nối liên thông đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn bảo mật thông tin quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới, ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Thứ tư, xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo việc ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển.

Thứ năm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh, vươn ra thị trường ngoài nước.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT.

Cũng với mục tiêu phát huy hiệu quả của CNTT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông báo số 249/TB-VPCP yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển CNTT; triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là các lĩnh vực liên quan nhiều tới doanh nghiệp, người dân như y tế, giáo dục, xây dựng, thuế…; thực hiện tin học hóa xử lý hồ sơ công việc, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến khích các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ CNTT để tạo ra thị trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT phát triển, góp phần giảm đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT.

Theo Tapchitaichinh