Cisco Connect 2014: Cisco chi gần 6 tỷ USD/năm cho R&D

5,9 tỷ USD tương đương với 12% doanh thu là khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Cisco trong năm tài chính 2014. Những sản phẩm nổi bật nhất có được từ khoản đầu tư này đã được trình diễn tại hội thảo Cisco Connect 2014 khai mạc sáng nay, 23/9/2014 ở Hà Nội.

Cisco Connect 2014 được Cisco Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT nhằm giới thiệu những giải pháp công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hệ thống CNTT tốc độ cao (Fast IT), khai thác hiệu quả nền tảng thế hệ thứ 3 (gồm 4 công nghệ cốt lõi là mạng xã hội, điện toán đám mây/ảo hóa, di động, phân tích dữ liệu lớn).

Ông Phan Thanh Sơn, Tổng Giám đốc và Giám đốc Phụ trách đối tác Cisco Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo cho biết: “Với 28.000 kỹ sư, trong gần 30 năm qua, Cisco đã có tới 17.000 bằng phát minh. Cisco đã đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm tài chính 2014, tổng kinh phí đầu tư cho R&D của Cisco đạt khoảng 5,9 tỷ USD, tương đương 12% doanh thu, trong khi IBM chi 6%, HP 3%, Intel 19%… Tại hội thảo Cisco Connect hôm nay, Cisco mong muốn kết nối các hãng công nghệ hàng đầu với cơ quan Chính phủ, khách hàng, đối tác để mọi người cùng nhìn được cơ hội mới trong tương lai, cơ hội của Internet of Everything và chớp được thời cơ để tăng hiệu quả hoạt động”.

Cisco Connect 2014 thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời là đại diện các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ. Ảnh: X.B

Các diễn giả tham gia Cisco Connect 2014 đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan tới hoạt động xây dựng các hệ thống CNTT tốc độ cao như công nghệ không dây, các chi nhánh thông minh, mô hình an ninh mới dành cho thế giới của mạng Internet của vạn vật, một số ví dụ về ứng dụng mạng Internet của sự vật, tích hợp các sáng tạo về công nghệ di động cho những trải nghiệm kinh doanh được kết nối…

Ông Charles Anderson, Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo bộ phận Viễn thông và di động IDC khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nên triển khai chiến lược Mobile First (di động là hàng đầu). Bởi ngày càng nhiều người châu Á sử dụng thiết bị di động để truy nhập Internet. Ước tính có tới 89% số người truy nhập Internet từ thiết bị di động thay vì máy tính. Vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp nên phát triển website thương mại điện tử phục vụ người dùng di động trước khi phát triển website thương mại điện tử phục vụ người dùng máy tính PC.

Còn theo ông Dave West, Giám đốc Công nghệ, Kỹ thuật và Kiến trúc, Giám đốc điều hành Khối giải pháp cho doanh nghiệp, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản, Cisco System: “Hiện trên thế giới đã có 5 – 7 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng, dự kiến đến năm 2050 có trên 100 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng. Nhiều thiết bị kết nối sẽ tạo ra dữ liệu lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp cần phải biết cách phân tích dữ liệu lớn để đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt trên khối dữ liệu lớn đó”.

Bên cạnh việc đưa ra những xu thế phát triển công nghệ mới, các diễn giả của Cisco Connect 2014 cũng đã giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng loạt giải pháp, công nghệ để có thể “đi tắt đón đầu” xu thế mới. Đây là những sản phẩm cụ thể có được từ khoản đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm cho R&D của Cisco. Chẳng hạn như nền tảng hợp nhất Cisco One Platform có khả năng gắn kết phần mềm với phần cứng, ứng dụng, cho phép khách hàng triển khai các dịch vụ, chính sách dễ hơn từ lớp ứng dụng đến lớp cơ sở hạ tầng. Hoặc tập hợp dịch vụ điện toán đám mây InterCloud hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng dịch vụ điện toán đám mây riêng ra môi trường điện toán công cộng mà vẫn đảm bảo an toàn, an ninh như trong môi trường điện toán đám mây riêng. Hoặc danh mục giải pháp điểm truy cập không dây (Access Point) đa dạng nhất hiện nay, giao thức truy cập mới 802.11 ac có tốc độ truy cập gấp 4 lần so với giao thức cũ (802.11n)…

Đánh giá cao tại hội thảo Cisco Connect 2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định: “Công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đang tạo ra xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị thế trong trật tự thế giới mới đang được hình thành trong kỷ nguyên số. Bộ TT&TT đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác của các tập đoàn công nghệ, chuyên gia trong và ngoài nước thời gian qua đã quan tâm, ủng hộ và đồng hành với công cuộc ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam. Mong hội thảo đem lại hiệu quả thiết thực góp phần triển khai thành công các chủ trương, đường lối chiến lược của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển CNTT-TT trong thời gian tới”.

Theo Xuân Bách (Ictnews.vn)