3 bước tiến lớn của google trong năm 2015
Những điều đáng mong đợi từ google trong năm 2015
Năm 2014, công cụ tìm kiếm của Google tiếp tục thống trị thế giới, kiểm soát tới 67% thị trường tìm kiếm desktop. Ở quy mô toàn cầu, công việc kinh doanh này mang về cho Google tới 50 tỉ USD doanh thu mỗi năm.
Tuy nhiên, nguồn thu trong tương lai sẽ đến từ đâu vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của ban điều hành công ty. Vì vậy, Google đang cần một hướng đi mới.
Dưới đây sẽ là 3 điều đáng mong đợi từ Google trong năm 2015, theo nhận định của trang công nghệ Cnet.
1. Phát hành Google Glass bản đại trà
Thiết bị này từng thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và tín đồ công nghệ nhưng sau khi được bày bán với số lượng hạn chế đầu năm 2013 thì nó lại gần như mất hút trong năm 2014. Google hi vọng rằng, tình hình sẽ có thể thay đổi khi phiên bản người dùng của Glass được tung ra trong năm nay.
Không ai rõ sản phẩm này sẽ khác gì với bản dành cho “những người thám hiểm” của năm 2013. Một số nhà phân tích tin rằng giá sẽ rẻ hơn nhiều so với con số 1500 USD mà những người dùng đầu tiên đã phải bỏ ra. Số khác tin rằng phiên bản này sẽ phải hoàn thiện hơn và khắc phục được những nhược điểm của phiên bản đầu tiên.
>>> Xem thêm: Dịch vụ đám mây Microsoft Azure lại gặp sự cố.
2. Đẩy mạnh quảng cáo trên YouTube
Google đã có những sự đầu tư mạnh tay cho YouTube thời gian gần đây. Hãng tìm mọi cách để giữ chân những tài năng hàng đầu của dịch vụ video trực tuyến này, nhất là khi các đối thủ như Facebook hay những doanh nghiệp mới như Victorious luôn nhăm nhe lôi kéo nhân sự từ YouTube nhảy tàu.
Trong thế giới quảng cáo, truyền hình luôn là nơi mà các thương hiệu và công ty PR chi nhiều tiền nhất. Nhưng giới phân tích cho rằng tình thế sắp thay đổi. Ngân sách chi cho quảng cáo trên Web sẽ vượt qua quảng cáo truyền hình vào năm 2016. Các đại gia công nghệ đều tăng mức đầu tư cho quảng cáo video trực tuyến trong vài năm trở lại đây. Tháng 11 vừa qua, Yahoo mua lại hãng công nghệ quảng cáo Brightroll với giá 640 triệu USD – thương vụ thâu tóm có quy mô lớn thứ hai mà CEO Marissa Mayer từng tiến hành sau khi tiếp quản Yahoo vào năm 2012. AOL mua lại Adap.tv, cũng là một hãng công nghệ quảng cáo vào năm 2013.
Những hành động của Google thậm chí còn quyết liệt hơn nhiều. Tháng 2/2014, hãng này kí kết thỏa thuận với Magna Global, một trong những hãng mua quảng cáo lớn nhất thế giới với ngân sách lên tới 37 tỉ USD mỗi năm. Thỏa thuận này được cho là sẽ dành tới 100 triệu USD để tiếp thị trên các website cuẩ Google, trong đó có YouTube. Cũng trong tháng này, hãng bổ nhiệm bà Susan Wojcicki, một trong những quan chức kì cựu nhất của mình phụ trách YouTube. Bà Susan từng có nhiều năm điều hành mảng quảng cáo của Google, do đó, nước cờ nhân sự này hiển nhiên mang rất nhiều ý nghĩa.
3. Androi ở khắp mọi nơi
Có lẽ không một bộ phận nào của Google bận rộn bằng mảng Android trong năm 2014. Nền tảng di động này hiện kiểm soát tới 80% thị trường smartphone toàn cầu và Google liên tục có những bước đi quan trọng để mở rộng tầm ảnh hưởng của Android hơn nữa.
Hồi tháng 9, hãng công bố Android One, một sáng kiến nhằm đưa smartphone Android siêu rẻ tới với các thị trường mới nổi. Dự án này sẽ hướng dẫn các hãng điện thoại cách tạo ra những con dế rẻ nhất có thể và đã được phát hành thử nghiệm ở Ấn Độ. Đến tháng 12, Google mở rộng Android One sang Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Hãng cũng dự định đưa sáng kiến đến với Philippines và Indonesia trong năm nay.
Cũng trong tháng 11, Google bắt đầu tung ra Android Lollipop, sản phẩm mà Sundar Pichai gọi là “phiên bản Android lớn nhất, tham vọng nhất” trong lịch sử Google, lột xác hoàn toàn thiết kế và giao diện người dùng của nền tảng này. Giới phân tích tin rằng Android sắp sửa có một sự nhảy vọt về chất lượng vào năm 2015.