Logo Logo
Tin công nghệ 26-08-2024

CEO kiêm nhà sáng lập Telegram, Pavel Durov vừa bị bắt giữ tại Pháp

Sáng qua (25.8), Reuters đưa tin tỉ phú người Pháp gốc Nga Pavel Durov, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Telegram, bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Vụ bắt giữ diễn ra tại sân bay Bourget ở gần Paris vào tối 24.8 (theo giờ địa phương) với cáo buộc Telegram thiếu người kiểm duyệt dẫn đến tình trạng tội phạm tha hồ hoạt động trên ứng dụng này mà không bị ngăn cản.

TF1 cho biết trên trang web của họ rằng Durov đang di chuyển trên máy bay riêng của mình, đồng thời cho biết thêm rằng anh đã bị nhắm mục tiêu bởi một lệnh bắt giữ tại Pháp. Người đàn ông 40 tuổi này được hiểu là đang di chuyển từ Azerbaijan và bị bắt vào khoảng 8 giờ tối theo giờ địa phương (6 giờ chiều GMT).

Sinh năm 1984, tỉ phú Durov nổi lên khi cho ra đời mạng xã hội VKontakte (gọi tắt là VK và còn có tên tiếng Anh là InContact) vào năm 2006 tại Nga. VK nhanh chóng phát triển nên Durov đối mặt áp lực của chính phủ Nga về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập hoạt động trên nền tảng mạng xã hội này. Ông Durov đã bán lại VK rồi rời khỏi Nga vào năm 2014, nhưng bắt đầu tham gia sáng lập nên Telegram từ năm 2013.Durov, được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của Nga", có tài sản ước tính 15,5 tỷ USD theo Forbes. Ông nổi tiếng với lối sống kín đáo và quan điểm mạnh mẽ về quyền riêng tư của người dùng. Sinh ra ở Nga, Durov hiện sống tại Dubai và có hai quốc tịch: Pháp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Hiện tại Telegram đang có 900 triệu người dùng trên toàn cầu, trở thành một trong các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat. Ứng dụng này nổi tiếng với tính năng bảo mật cao và khả năng tạo các kênh thông tin nhanh chóng.

Theo các nguồn tin, việc bắt giữ Durov là một phần của cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát Pháp. TF1 và BFM TV cho biết cuộc điều tra tập trung vào việc thiếu người kiểm duyệt trên Telegram, điều mà cảnh sát cho rằng đã tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm diễn ra không bị ngăn chặn trên nền tảng này.

Sự việc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Đại sứ quán Nga tại Pháp đã thông báo rằng họ đang thực hiện các bước "ngay lập tức" để làm rõ tình hình. Nhiều blogger Nga đã kêu gọi biểu tình tại các đại sứ quán Pháp trên khắp thế giới vào trưa Chủ nhật, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Durov trong cộng đồng người dùng Telegram.

Mảnh đất cho giới tội phạm hoạt động

Sau khi rời Nga, ông Durov sinh sống, làm việc tại Pháp và UAE. Tổng hành dinh của Telegram cũng đặt tại UAE. Từ đó đến nay, nhờ vào ưu thế được cho là có tính bảo mật cao nhờ khả năng mã hóa đầu cuối, Telegram không ngừng phát triển. Tài sản của tỉ phú Durov ước tính lên đến 15,5 tỉ USD.

Telegram được cho là đặc biệt có ảnh hưởng tại Nga, Ukraine và những nước thuộc Liên Xô cũ, trở thành kênh liên lạc hữu hiệu cho lực lượng đối lập. Theo Reuters, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn chính của nội dung không được lọc - và đôi khi phản cảm và gây hiểu lầm - từ cả hai phía về cuộc chiến và chính trị xung quanh cuộc xung đột. Nền tảng này đã trở thành cái mà một số nhà phân tích gọi là "chiến trường ảo" giữa Moscow và Kyiv khi cả 2 bên đều xem đây là kênh truyền tin then chốt.

Không chỉ được mã hóa đầu cuối, dễ xóa "dấu vết" người dùng và hạn chế sự theo dõi của nhà chức trách các nước, Telegram còn cho phép thành lập các nhóm kín lẫn công khai lên đến 200.000 người, mà việc tiếp cận người dùng mới khá dễ dàng. Từ đó, mặt trái của Telegram là dần gây nên nhiều lo ngại khi nền tảng này bị giới tội phạm chọn làm nơi hoạt động.

Hồi đầu năm nay, GS Matias Dewey (Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ) và chuyên gia Andrés Buzzetti (Đại học quốc gia San Martín, Argentina) công bố báo cáo nghiên cứu cho rằng: "Ứng dụng nhắn tin được mã hóa như Telegram trở thành một công cụ ngày càng hấp dẫn cho việc buôn bán ma túy. Sự kết hợp giữa việc mở và đóng cộng đồng người dùng một cách dễ dàng, tính năng ẩn danh mạnh mẽ và khả năng hoạt động trên điện thoại thông minh đang thay đổi cách ma túy được giao tới cuối chuỗi".

Thực tế, Singapore cũng đã báo động về việc hoạt động buôn bán ma túy thông qua Telegram. Cuối năm 2023, CNA đưa tin nhà chức trách Singapore đã bắt giữ hơn 500 tội phạm ma túy sử dụng Telegram để giao dịch.

Không chỉ ma túy mà nhiều hoạt động mua bán vũ khí, nội dung đồi trụy liên quan trẻ em cũng được giao dịch qua Telegram.

Tại VN, các hoạt động liên quan sử dụng chất gây nghiện, ma túy và cả mại dâm, bán các nội dung tình dục trẻ em… đang giới thiệu, giao dịch bằng Telegram. Tất nhiên, những chiêu trò lừa đảo cũng hiện diện theo đó. Không khó để tìm thấy rất nhiều nhóm trên Telegram tiến hành các hoạt động vừa nêu.

Thời gian qua, cơ quan công an cũng đã triệt phá nhiều nhóm tội phạm tại VN hoạt động thông qua Telegram. Điển hình, tháng 7 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử nhóm tội phạm lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo. Các bị cáo này còn bị xét xử về tội rửa tiền. Hay giữa tháng 5, Công an tỉnh Nam Định thông tin vừa vừa triệt xóa nhóm lừa đảo môi giới mại dâm qua Telegram.

 

 

Chia sẻ bài viết

Bình luận

( 0 bình luận )
Không có bình luận nào

Bình luận của bạn

Tin tức liên quan