8 thiết bị công nghệ cực ngầu của đội đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ
Đội đặc nhiệm SEAL Hải quân Mỹ là một lực lượng chuyên thực hiện các hoạt động giải cứu, chống khủng bố và nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác. Vì được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm trong những môi trường khắc nghiệt nên SEAL có một nguồn ngân sách dồi dào. Nhờ vậy họ cũng có điều kiện phát triển và triển khai nhiều thiết bị công nghệ cao từ kính nhìn ban đêm, máy bay không người lái cho đến tàu ngầm.
Kính nhìn đêm L-3
Các lực lượng quân sự Mỹ đã sử dụng kính nhìn ban đêm hàng chục năm nay. Cơ chế của loại kính này là khuếch đại ánh sáng có sẵn để giúp binh sĩ quan sát trong môi trường ánh sáng yếu.
Kính nhìn đêm toàn cảnh L-3 (GPNVG) là một bước tiến lớn về công nghệ so với kính nhìn đêm hai ống kính thế hệ trước. Trong khi các thiết bị tiền nhiệm chỉ có góc nhìn 40 độ, thì GPNVG có bốn ống kính đem lại góc nhìn tới 120 độ. Cặp kính nặng 765 gam này tận dụng ánh sáng tối thiểu có sẵn xung quanh và khuếch đại lên, chuyển đổi thành tín hiệu điện rồi hiển thị trước mắt người dùng dưới dạng các hình ảnh màu xanh lá. Một cặp kính như vậy có giá 50.000 USD.
Máy thở Draeger
Lén lút xâm nhập bến cảng của đối phương để vô hiệu hóa thiết bị là một kỹ năng của SEAL. Những người lính SEAL cần trải qua sự huấn luyện khắt khe để trở thành chuyên gia lặn tác chiến. Nhưng điều đó không có ích nếu bong bóng khí khiến họ bị phát hiện, vì vậy họ phải cần đến máy thở Draeger.
Trong một máy thở bình thường (SCUBA), thợ lặn hít oxy từ bình chứa, thở ra bong bóng khí và chúng sẽ nổi lên bề mặt, điều này dễ gây chú ý. Còn máy thở Draeger sử dụng một hộp chứa natri hydroxit để hấp thu CO₂ khỏi hơi thở của thợ lặn và chừa lại oxy để họ hít vào, nhờ vậy không để lại bong bóng khí. Tuy nhiên, Draeger có rủi ro rất cao so với máy thở SCUBA thông thường.
Khí cầu Fulton
Khí cầu Fulton có thể là thiết bị dị thường nhất từng được tạo ra. Thông thường biệt kích SEAL hoạt động trên không bằng trực thăng và thao tác nhảy dù, trong đó họ được huấn luyện về cách nhảy xuống từ trên cao và bung dù để tiếp cận mục tiêu. Còn để rút lui nhanh từ mặt đất, họ cần khí cầu Fulton.
Fulton là một quả bóng bay được bơm căng bay lơ lửng phía trên người cần được kéo lên, với một sợi dây thòng xuống từ quả bóng và móc vào dây nịt của người đó. Khi một máy bay lướt qua, Fulton sẽ móc dây vào mũi máy bay và máy bay sẽ kéo người này lên. Sau một tai nạn vào năm 1982, SEAL đã không còn sử dụng Fulton với con người nữa và nó chỉ còn được dùng để thu hồi hàng hóa.
Máy bay không người lái ScanEagle
ScanEagle là máy bay không người lái có thể cất cánh từ bệ phóng và bay lượn trên một khu vực trong 15 giờ. Các cảm biến và camera của ScanEagle giúp lực lượng lực lượng mặt đất thu thập hình ảnh và dữ liệu thời gian thực từ chiến trường; nhờ vậy họ có thể đánh giá môi trường xung quanh, theo dõi việc di chuyển của đối phương và ra quyết định.
Năm 2004, Thủy quân lục chiến Mỹ ký hợp đồng với Boeing để phát triển ScanEagle cho các hoạt động ở Iraq. Kể từ đó nó đã đạt được gần nửa triệu giờ bay. ScanEagle sử dụng loại công nghệ và camera khá phổ thông, nên ngay cả khi nó bị bắn hạ thì đối phương cũng không thu được nhiều lợi ích.
Tàu ngầm không người lái
SEAL đã sử dụng tàu ngầm không người lái cho các nhiệm vụ nguy hiểm như rà phá bom mìn từ đầu thập niên 2000. Trước đây, Hải quân Mỹ thường điều động một đội thợ lặn để bảo vệ bến cảng mà tàu Hải quân sẽ cập bến, nhưng sau đó họ bắt đầu sử dụng tàu ngầm không người lái REMUS 600, có hình dạng quả ngư lôi, để dọn sạch các khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, SEAL còn có loại tàu ngầm lai Proteus. Đây là tàu ngầm mini có thể chở theo tối đa 6 lính biệt kích SEAL để tiếp cận mục tiêu, họ sẽ ngồi trong khoang tàu ở trạng thái ngập nước và khi đến nơi thì bơi ra ngoài. Proteus cũng có thể hoạt động không cần người lái ở độ sâu 61 mét với phạm vi hoạt động gần 1.300 km.
Súng Grapnel
Súng Grapnel bắn đi một "viên đạn" với tiếng động rất nhỏ và đạn này kéo theo một sợi dây Kevlar dài 30 mét. Khi phóng đi, ba ngạnh của đạn mở rộng ra phía ngoài và móc vào lan can phía trên, tạo thành một sợi dây để người bắn leo lên. Loại súng này rất cần thiết cho hoạt động ngăn chặn hàng hải vào ban đêm, trong đó lực lượng SEAL ở trên một thuyền cao su nhỏ và đuổi theo một tàu chở dầu.
Theo hợp đồng với Bộ quốc phòng Mỹ, nhà thầu Battelle đã chế tạo một khẩu súng nặng 9 kg chạy bằng khí nén và có thể bắn đạn với tốc độ siêu âm. Nó có thể gây thương tích nặng cho ai đứng ở lan can tàu gần chỗ các ngạnh bám vào.
Kềm đa năng Gerber
Dụng cụ đa năng rất hữu ích trong các hoạt động quân sự đặc biệt. Cựu lính biệt kích SEAL Matt Bissonette, người từng tham gia sứ mệnh tiêu diệt Bin Laden, đã kể trong hồi ký rằng mỗi lính SEAL được cấp một dụng cụ đa năng Gerber. Nó được cho là có một lưỡi dao, tuốc-nơ-vít, kéo và đồ khui hộp.
Loại dụng cụ đa năng này chuyên được sản xuất bởi Gerber, một công ty có nhiều dòng sản phẩm dành cho mục đích quân sự. Sản phẩm nổi bật của họ là Gerber MP600 Pro Scout, được thiết kế để mở chỉ bằng một tay.
Điện thoại truyền dẫn qua xương
SEAL thường hoạt động đằng sau phòng tuyến của đối phương và rất sát mục tiêu, vì vậy một chiếc radio gây ồn ào là vấn đề lớn, ngay cả âm thanh rất nhỏ phát ra từ tai nghe bình thường cũng có thể gây chú ý nếu xung quanh quá yên tĩnh. Cho nên họ sẽ dùng một thiết bị truyền âm thanh bằng các rung động qua xương hàm trên, rồi đến thẳng tai trong để nghe được thông điệp.
Nhờ vậy chỉ người đeo thiết bị mới có thể nghe được tiếng. Họ cũng dễ dàng nghe được âm thanh xung quanh vì thiết bị này không che phủ lỗ tai. Còn để phát thông điệp, họ đeo một micrô gắn ở cổ họng. Toàn bộ cơ cấu này làm thành một chiếc "điện thoại xương".
Nhìn chung các công nghệ quân sự mới nhất vẫn là một bí mật đối với hầu hết công chúng. Khi một công nghệ quân sự được biết đến rộng rãi, thì rõ ràng là đã có những thiết bị còn tiên tiến hơn đang ẩn giấu trong phòng thí nghiệm của DARPA hoặc trong tủ đựng thiết bị của những lính biệt kích SEAL.
(Theo tinhte.vn)