Việt Nam trở thành “bến đỗ” tiềm năng của ngành linh kiện bán dẫn thế giới
Nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các sản phẩm bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là căn cứ để tin rằng Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến tiềm năng của ngành linh kiện bán dẫn thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.
1. Thiếu hụt linh kiện bán dẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế sản xuất toàn cầu
1.1 Vai trò đặc biệt quan trọng của chip bán dẫn trong ngành sản xuất sản phẩm công nghệ
Trong kỷ nguyên công nghệ số, chip bán dẫn được xem như là trái tim của tất cả mọi thiết bị công nghệ đang hiện diện xung quanh chúng ta. Hiểu đơn giản, từ những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, máy tính cá nhân đến trung tâm lưu trữ dữ liệu, thiết bị gia dụng, xe cộ, ATM, máy móc sản xuất nông nghiệp,… đều sử dụng chip bán dẫn.
Hầu hết thiết bị, máy móc phục vụ cho con người đều phụ thuộc vào chip bán dẫn, linh kiện bán dẫn cũng là nền tảng phát triển của các công nghệ hiện đại như Internet, trí tuệ nhân tạo, 5G, máy bay không người lái,…
Chip bán dẫn dù không phải là một linh kiện đắt tiền nhưng nó là loại linh kiện then chốt trong việc sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử.
Một số ngành công nghiệp phụ thuộc vào linh kiện bán dẫn nhiều nhất có thể kể kể đến như: Điện toán, viễn thông, ô tô, thiết bị gia dụng, tài chính, sức khỏe,..
1.2 Nguyên nhân dẫn đến tính trạng thiếu chip bán dẫn
Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc sản xuất chip bán dẫn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang dần phục hồi và các tập đoàn lớn bắt đầu khôi phục lại dây chuyền sản xuất làm tình trạng cung vượt cầu. Với số lượng đặt hàng các linh kiện bán dẫn tăng đột ngột khiến các tập đoàn sản xuất linh kiện chip bán dẫn không đáp ứng được và xảy ra tình trạng khủng hoảng linh kiện bán dẫn toàn thế giới.
Một lý do khác của tình trạng này đó chính là các tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn siết chặt đầu tư mở rộng nhà máy trong thời gian dài khiến cho việc thúc đẩy tăng nhanh sản lượng chip gặp khó khăn.
1.3 Ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn lên nền kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng nguồn chip bán dẫn toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp và làm gián đoạn sản xuất của nhiều ngành công nghiệp. Ảnh hưởng rõ ràng nhất của việc thiếu chip bán dẫn đó chính là sự đình trệ của ngành công nghiệp ô tô, ngoài ra thì các ngành thiết bị điện tử và gia dụng, thiết bị y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Với ngành công nghiệp ô tô, tập đoàn Volkswagen cho biết sản lượng sản xuất ô tô của hãng đã bị giảm 450.000 xe tương đương 5% sản lượng hằng nam của hãng. Bên cạnh đó công ty Jaguar Land Rover cũng cảnh báo tình trạng thiếu chip bán dẫn làm giảm đến một nửa sản lượng xe của hãng trong quý 3/2022. Ngoài ra, Nissan – tập đoàn xe hơi hàng đầu Nhật Bản cũng đã phải hoãn ra mắt mẫu xe chạy điện mới nhất của mình vì tình trạng thiếu chip.
Ngành thiết bị điện tử cũng không nằm ngoài vòng xoáy thiếu hụt chip khi Apple đã cắt giảm sản lượng sản xuất iPhone, iPad xuống mức thấp nhất. Đối thủ của Apple, Samsung cũng đã thông báo ngừng sản xuất mẫu điện thoại Samsung Galaxy S22 FE vì tình trạng thiếu chip.
Có thể thấy việc thiếu hụt nguồn cung của linh kiện bán dẫn là một thách thức không nhỏ mà ngành công nghiệp điện tử phải đối mặt. Hàng loại các tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn đang mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất chip bán dẫn để tăng sản lượng và giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu. Đây cũng là cơ hội mở ra với các nước đang phát triển như Việt Nam để trở thành một trung tâm sản xuất các linh kiện bán dẫn nằm trong chuỗi cung ứng của thế giới.
2. Việt Nam trở thành bến đỗ tiềm năng của ngành linh kiện bán dẫn thế giới.
2.1 Cú hích trị giá 3 tỷ USD của tập đoàn Samsung
Mới đây, tổng giám đốc tập đoàn Samsung trong chuyến thăm Việt Nam đã công bố gói đầu tư 3,3 tỷ USD để xây dựng trung tâm nghiên cứu chip bán dẫn và nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, Samsung đã lên kế hoạch chuẩn bị sản xuất thử sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và dự kiến sản xuất đại trà sản phẩm này vào tháng 7/2023 tại nhà máy của hãng ở Thái Nguyên.
Thực chất, khoản đầu tư 3,3 tỷ USD mà Samsung mới công bố không phải là một khoản đầu tư mới khi tập đoàn này đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy trong những năm vừa qua. Cụ thể, Tập đoàn Samsung đã khởi công xây dựng Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD và tiếp tục nhận thêm 200 triệu USD để mở rộng tổ hợp này trong thời gian tới.
Dù Samsung Electro-Mechanics mới chỉ sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt để cho thấy Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trong chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn toàn thế giới.
2.2 Hai trong 3 tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam
Không chỉ có Samsung mà nhiều tập đoàn công nghệ khác cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Là một trong 3 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn(gồm TSMC, Samsung và Intel), Intel cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để mở nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng liên tiếp nhận được nhiều gói đầu tư khủng khác trong lĩnh vực chip bán dẫn như tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đầu tư hơn 1,6 tỷ USD, Hana Micron (Hàn Quốc) đầu tư hơn 500 triệu USD và còn nhiều tập đoàn có tiếng khác như: Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…
Đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao Việt Nam là một địa điểm có nhiều lợi thế để phát triển ngành linh kiện bán dẫn như nguồn nhân lực, logistics và các chính sách của nhà nước.
Hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam để chúng ta có thể tự tin là một trong những trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn thế giới.
- Detech Tower, số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà NộiTel: (024) 7305 6666
- Phòng A5.02 Tòa Nhà SCREC, 974A Trường Sa, Phường 12, Quận 3, TP. Hồ Chí MinhTel (028) 7308 6666